TÌM GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ XOÁ SỔ TÍN DỤNG ĐEN - SHBFINANCE QUYẾT LIỆT VÀO CUỘC CÙNG CÁC BÊN
TÌM GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ XOÁ SỔ TÍN DỤNG ĐEN - SHBFINANCE QUYẾT LIỆT VÀO CUỘC CÙNG CÁC BÊN
Ngày 30/11/2023, Phó Tổng Giám đốc Thường trực SHBFinance đã tham gia hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức, nhằm cùng tìm ra giải pháp xử lý tín dụng đen, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Ngày 30/11/2023, bà Olena Khlon, Phó Tổng Giám đốc Thường trực SHBFinance đã tham gia hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?”. Sự kiện do Báo Tuổi Trẻ tổ chức, nhằm cùng tìm ra giải pháp hiệu quả trong việc xóa sổ tín dụng đen, đồng thời giúp người dân thuận lợi hơn khi tiếp cận kênh tín dụng tiêu dùng hợp pháp.
Buổi hội thảo còn có sự tham gia của đại diện từ Cục Cảnh sát hình sự, Cục Truyền thông công an nhân dân (Bộ Công an), Vụ Pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp); Ngân hàng Nhà nước; các luật sư, chuyên gia kinh tế, pháp luật,...
Tìm giải pháp hiệu quả “xoá sổ” tín dụng đen
Với 17 năm làm việc trong ngành tài chính - ngân hàng, bà Olena Khlon nhận định 2023 là một trong những năm khó nhất với ngành tài chính - ngân hàng. Bà cho rằng có 3 giải pháp chính để thúc đẩy doanh nghiệp cũng như ngành ngân hàng - tài chính Việt Nam phát triển một cách bền vững, bao gồm: truyền thông, giáo dục và sự hỗ trợ từ pháp luật.
Đầu tiên, chúng ta cần giáo dục cho học sinh ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường về cách quản lý tài chính hiệu quả và tốt nhất. Việc giáo dục này cần kéo đến bậc đại học và đi làm. Bản thân công ty cũng áp dụng quy trình giáo dục cho khách hàng, về cách quản lý khoản vay và tính toán lãi suất.
Tiếp đến, về mặt truyền thông, hội thảo hôm nay cũng là một phương tiện hiệu quả, không chỉ đưa ra các giải pháp xóa nạn tín dụng đen, mà còn hỗ trợ cho công ty tài chính chính thống. Phía SHBFinance đề xuất cho phép công ty tài chính mở các phòng giao dịch, từ đó có cơ hội truyền thông cho khách hàng các thông tin một cách đầy đủ và minh bạch nhất có thể.

Thông tin càng minh bạch, lãi suất cho vay càng giảm
Bà cũng nhận định, trong tương lai, thị trường Việt Nam có thể áp dụng mức lãi suất cho vay tiêu dùng tối đa 20%/năm như Nhật Bản, khi đã ứng dụng thành công các giải pháp trên, nâng cao hoạt động trả nợ của khách hàng, cũng như giảm tín dụng đen.
"Năm nay chúng tôi có áp dụng chương trình định giá trên khách hàng. Khách hàng cung cấp nhiều thông tin chính xác, thiết thực sẽ nhận được mức lãi suất càng thấp. Nếu chúng ta càng áp dụng thành công giải pháp tôi và các chuyên gia khác đưa ra trong hội thảo hôm nay, thì lãi suất sẽ càng thấp", bà Olena Khlon chia sẻ.
Theo Ngân hàng Thế giới, có đến 70% người dân Việt Nam chưa được tiếp cận tín dụng chính thức, cho thấy nhu cầu tín dụng của người dân là rất lớn. Với thực tế bùng nợ vay tiêu dùng hiện nay, chính sách cần đảm bảo sự cạnh tranh, sân chơi bình đẳng giữa tổ chức chính thức và chưa chính thức. Hoa Kỳ, Đức quy định cấp giấy phép cho các công ty fintech với điều kiện, vốn chủ sở hữu, cổ đông… như ngân hàng. Đây là giải pháp quan trọng.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ làm tốt công tác truyền thông, nhất là truyền thông cho người dân hiểu rõ hậu quả của tín dụng đen, để họ nắm vững và không bị áp lực đến phải vay tín dụng đen.
Xem thêm bài viết tại: Báo Tuổi Trẻ - Hiểu về tài chính cá nhân, người dân sẽ tránh xa tín dụng đen